Kinh nghiệm học tiếng Hàn cho người mới bắt đầu

group-topik-viet-nam

Mặc dù trình độ chưa siêu hay chưa thi qua kì thi nào, nhưng mình quyết định viết bài này vì mình nhận ra một người mới bắt đầu học một thứ tiếng nào đó sẽ nhìn mọi thứ rất khác một người đã thành thạo ngôn ngữ đó. Việc đã thành thạo một ngôn ngữ, đã thi đỗ các chứng chỉ quốc tế chứng tỏ bạn đã có một quá trình học tập rèn luyện kiên trì và hiệu quả, nhưng sau một chặng đường dài thì đôi lúc bạn sẽ quên mất bạn đã nhìn mọi thứ thế nào khi mới chập chững viết những chữ cái đầu tiên trong ngôn ngữ đó. Hãy coi đây là một bài viết chia sẻ kinh nghiệm học tiếng Hàn dành cho người mới bắt đầu từ một người cũng mới bắt đầu học, hãy coi như chúng ta là đồng môn và là đôi bạn cùng tiến.

Bảng chữ cái

Thông thường các lớp học tiếng Hàn đều sẽ mở đầu bằng việc học bảng chữ cái, và thực tế chứng minh nếu bạn không học tốt những buổi đầu này thì bạn sẽ out khỏi lớp học rất là sớm. Tuy nhiên, bảng chữ cái của tiếng Hàn khá là đơn giản và các bạn hoàn toàn có thể tự học ở nhà theo các video trên mạng, và mình nghĩ các bạn rất nên tự học trước phần này. Vì việc nắm chắc bảng chữ cái chính là nền tảng để sau này các bạn học ngoại ngữ dễ dàng hơn.

Như mình đã kể trong một bài viết trước của mình về chuyện học ngoại ngữ ,  mặc dù bảng chữ cái tiếng Hàn được coi là cực kì khoa học và khá là dễ nhớ, và mình cũng là một người nói và viết thành thạo 3 ngôn ngữ, nhưng thời gian đầu học mình vẫn khá chật vật. Sự khác biệt có lẽ là do những ngôn ngữ trước giờ mình biết đều là ngôn ngữ thuộc hệ latin (chữ cái abc) nên khi học một ngoại ngữ chữ tượng hình mình sẽ mất một thời gian để làm quen và chuyển đổi tư duy. Một thói quen RẤT RẤT RẤT xấu khi học ngoại ngữ mà mình để ý thấy nhiều người Việt Nam hay có, đó là viết cách đọc một từ/một chữ tiếng khác phiên âm bằng chữ cái tiếng Việt. Đây là cách mà các sách du lịch hay viết, và có lẽ nó chỉ dành cho những tình huống khẩn cấp khi đi du lịch, hoặc dành cho những người học tiếng bồi. Còn nếu bạn thực sự muốn học một ngoại ngữ, cách học này sẽ khó có thể đưa bạn đi xa. Bản thân mình cũng rất hiểu vì sao mọi người lại làm như thế, và vì sao một số giáo viên cũng lại dạy học sinh của mình theo cách này. Thời gian trên lớp ở các trung tâm sẽ không đủ để các bạn thực sự quen với bảng chữ cái mới để có phản xạ khi nhìn 1 ‘hình’ có thể nhớ ngay ra nó được đọc thế nào mà không phải ‘dịch’ thông qua phiên âm chữ latin của nó. Khi mới học thì mọi người hay nhìn vào một chữ và nghĩ đến cách phát âm của từ đó được viết theo bảng chữ cái mà các bạn đã quen thuộc, sau đó các bạn đọc cái phần được viết theo bảng chữ cái quen thuộc. Để có phản xạ thì phải luyện tập, và chúng ta thì hay bận cái này cái kia nên không có thời gian rèn luyện phản xạ. Vì vậy khi qua 1-2 buổi học chữ cái và chuyển sang những bài đã có nhiều từ vựng, chúng ta không thể nhớ được mấy cái hình đó đọc như thế nào, vì vậy chúng ta bắt đầu ‘ăn gian’ bằng cách viết phiên âm của các từ bằng chữ tiếng Việt/tiếng Anh hay bắt cứ ngôn ngữ nào chúng ta cảm thấy quen thuộc. Việc ăn gian có thể hiệu quả đối với 1-2 buổi tiếp theo, nhưng rồi các bạn sẽ đuối dần và sẽ cảm thấy cực kì cực kì hoang mang khi nhìn thấy những đoạn văn dài chỉ mấy dòng nhưng được viết hoàn toàn bằng các đoạn thẳng và hình tròn. Vì vậy, mình khuyên các bạn hãy học thật chắc thật chắc bảng chữ cái, và rèn luyện phản xạ về cách đọc của từng chữ cái:

Luyện viết chữ thật nhiều, và khi viết thì hãy đọc thành tiếng để não bộ có mỗi liên hệ giữ mặt chữ và âm thanh. Và để viết chữ đẹp thì các bạn có thể tải file thi TOPIK tại đây và in ra để viết chữ/chép bài vào, hoặc đơn giản hơn là tìm mua vở kẻ ô vương (5mm*5mm), một ‘vần’ nên viết gọn trong 1 ô vuông thôi. Bạn mình mua được vở như vậy ở FAHASA, nhưng lúc mình tìm thì không thấy nữa. Vở mình đang dùng mua ở hiệu sách Kinokunya và cửa hàng Muji bên Sing, tuy nhiên mua như vậy khá là tốn kém.
Tuyệt đối không viết phiên âm tiếng Việt. Viết một lần rồi sẽ cảm thấy bị phụ thuộc lắm và lần sau lại phải viết tiếp. TUYỆT ĐỐI KHÔNG VIẾT PHIÊN ÂM TIẾNG VIỆT.
Nghe đĩa/phần mềm học và nhìn mặt chữ một cách đồng thời, có thể dùng bút để di theo từng chữ.
Luyện đọc thành tiếng thật nhiều. Đọc bất cứ cái gì có thể, đọc sách, đọc chữ mình viết, đọc bao bì mặt nạ, etc.

Tất cả những cách trên là để các bạn rèn luyện phản xạ với chữ cái. Điều này sẽ tạo tiền đề tốt cho các bạn có thể học tốt những phần sau, và hãy tin mình đi, các bạn sẽ thấy bớt sợ hơn hẳn khi xem những trang sách toàn hình tròn và đoạn thẳng.

Học tiếng Hàn ở đâu?

Cũng như đối với các tiếng khác, các bạn có các phương án là học theo một lớp tại trung tâm, học gia sư, hoặc tự học.

Cách nào cũng sẽ có ưu nhược điểm khác nhau, bản thân mình quyết định sẽ kết hợp việc đi học tại trung tâm với việc tự học. Mình review ngắn gọn về những lớp mình đã học như sau:

Trung tâm SOFL: Ban đầu mình đăng ký trung tâm này vì đây là một trong những trung tâm hiển thị đầu tiên khi bạn google trung tâm học tiếng Hàn tại Hà Nội. Tuy nhiên khi bắt đầu học thì mình khá thất vọng:

Giáo viên: Lớp đầu tiên mình học là một em giáo viên khá trẻ, lúc đó là sinh viên đại học Hà Nội, phát âm khá chuẩn. Tuy nhiên có thể do không thực sự có năng khiếu sư phạm nên đi học hơi buồn ngủ. Bạn mình sau này học một lớp tương tự thì cô giáo hoàn toàn không có năng lực sư phạm và chỉ nói mọi người trong lớp chép đúng những gì cô viết trên bảng hoặc chụp ảnh lại bảng về nhà xem (mặc dù những gì cô viết trên bảng giống với giáo trình), và chính vì những gì cô viết đều giống trong giáo trình nên sau này cô chỉ nói là cứ xem trong giáo trình là được. Hè vừa rồi mình có đăng ký một lớp cấp tốc thì phương pháp học hơi khác một chút, cô giáo cũng có phương pháp phù hợp với những bạn học cấp tốc, tuy nhiên cô lại nói ngọng quá, ngọng ơi là ngọng, và dạy phát âm theo kiểu bắt buộc phải chép phiên âm tiếng Việt cô viết trên bảng, nên mình cảm thấy không phù hợp với mình.
Cơ sở vật chất của trung tâm không tốt (mình học ở Ngụy Như Kon Tum), lớp không đủ ánh sáng nên học rất mệt, ngoài ra lớp buổi tối ngồi cũng rất đông nên cảm giác chật chội bí bách.
Giáo trình: Giáo trình cũng dạy phiên âm, nên mình không thích phần này lắm, còn lại cơ bản mình thấy cũng ok và lộ trình học giống với các giáo trình khác mình tham khảo. Các bạn có thể tải giáo trình và file nghe tại đây. Sách không bao gồm trong học phí.
Giáo viên: Hiện tại mình đang học cô giáo người Hàn Quốc, bản thân mình thấy rất thích vì học người bản ngữ từ khi mới bắt đầu sẽ đảm bảo việc phát âm chuẩn, đồng thời học trong môi trường không nói tiếng Việt cũng giúp phản xạ ngoại ngữ tốt hơn. Tuy nhiên vì cô không nói được tiếng Việt nên mặc dù phương pháp dạy cũng tối giản hóa các slide giải thích ngữ pháp, và slide cũng có chữ tiếng Việt những chỗ khó, nhưng mình nghĩ những bạn không có thói quen tự học và không quen việc không được giải thích mọi thứ bằng tiếng Việt thì sẽ thấy hơi khó khăn. Bạn mình đang học lớp tương tự nhưng với giáo viên là người Việt, mình nghe nói cô giáo vui tính dạy hay, là giảng viên khoa tiếng Hàn tại trường Đại học Hà Nội, vì thế nên cũng đảm bảo là phát âm chuẩn, năng lực sư phạm cũng được kiểm chứng.
Cơ sở vật chất: Lớp học đẹp và hiện đại, máy chiếu màn chiếu xịn, phòng có điều hòa. Trung tâm có thư viện, phòng đọc sách, có phòng trưng bày triển lãm, có phòng học nấu ăn, nói chung là rất thú vị. Trung tâm cũng tổ chức nhiều hoạt động (và nhiều hoạt động hoàn toàn miễn phí) cho học viên như lớp học nấu ăn, lớp học nhảy KPOP, lớp hát hợp xướng, thổi sáo.
Giáo trình; Học theo giáo trình Sejong, các bạn có thể tải để xem tại đây. Học phí tại trung tâm đã bao gồm sách và đĩa nghe, đến buổi đầu tiên đi học sẽ được phát. Sách đẹp, in giấy màu siêu xịn.
Toàn ưu điểm nên phải viết một chút về nhược điểm (cho nó thực tế): Cá nhân mình thích học tại trung tâm văn hóa hơn, tuy nhiên ở đây lại không có nhiều lựa chọn về khóa học, đồng thời tiến độ học của các khóa cũng khá chậm. Nếu bạn có thời gian để tự học thêm và cần học nhanh thì nên tìm thêm các trung tâm khác để học. Các lớp cũng không mở liên tục mà chỉ mở theo đợt, một đợt học kéo dài 3 tháng, và bạn không thể nhảy vào giữa chừng được. Vì vậy nếu muốn học tại trung tâm văn hóa thì các bạn nên để ý thông tin trên trang facebook để đăng ký kịp thời. Size lớp cũng khá bé, tối đa 18 học viên, lại ưu tiên hội viên của trung tâm. Để đăng ký làm hội viên, các bạn chỉ cần đem ảnh đến trung tâm để nộp đơn, việc đăng ký thẻ hội viên này cũng hoàn toàn miễn phí.

Ngoài ra bạn cũng có thể tự học, trên Coursera có các lớp tiếng Hàn vỡ lòng khá hay và học hoàn toàn miễn phí.

Hai khóa học này đều được thiết kế bởi trường đại học Yonsei danh tiếng, các bài học đều ngắn gọn dễ hiểu và có tài liều, bài tập đi kèm. Để có thể học miễn phí trên Coursera, các bạn hãy chọn phương án ‘Audit the course’. Như vậy học xong các bạn sẽ không có chứng chỉ và có thể một số bài kiểm tra các bạn sẽ không được chấm, tuy nhiên các bạn vẫn có thể xem video học và tải các tài liệu như bình thường.

Theo quan điểm của mình, dù bạn có học theo hình thức nào đi chăng nữa, thì việc tự học cũng rất quan trọng, và thời gian tự học cũng chính là thời gian mang tính chất quyết định đối với sự tiến bộ của bạn.

Các công cụ học tiếng Hàn

Từ điển: Từ điển Naver của Hàn Quốc rất nổi tiếng, các bạn có thể tải app về điện thoại hoặc tra online. Ngoài ra có thể dùng thêm Google translate (có app điện thoại), tuy nhiên cách dịch của google không hoàn toàn chính xác. Mình không dùng từ điển giấy.
Sách ngữ pháp: Korean Grammer In Use – Ngữ pháp tiếng Hàn thông dụng. Cuốn này có nhiều trình độ, mới bắt đầu học thì các bạn mua cuốn sơ cấp nhé. Mua trên TIKI sẽ được giảm giá 30% so với việc mua ở hiệu sách.
Giáo trình và sách bài tập: Đối với người mới bắt đầu học, các bạn không cần mua nhiều sách làm gì cho tốn kém vì các sách đa phần đều thiết kế nội dung khá giống nhau và sẽ bị trùng lặp. Vì vậy học theo giáo trình nào thì các bạn chỉ cần học theo cuốn đó và làm hết tất tần tật các bài tập là đủ. Nếu chưa làm hết các bài tập trong sách thì không cần mua thêm các sách bài tập khác.
Các phần mềm học tiếng trên điện thoại:Duolingo: Phần mềm này nổi tiếng rồi nên không cần giới thiệu. Tuy nhiên cá nhân mình không thích app này cho việc học tiếng Hàn lắm, và những bạn không giỏi tiếng Anh lắm thì cũng có thể sẽ thấy ngại app này vì hay có bài tập dịch câu, dịch chữ, các bạn viết sai chính tả tiếng Anh thì câu đó các bạn cũng sẽ bị tích sai luôn. App này miễn phí.
LingoDeer: Mình khá thích app này, nhiều bài tập đa dạng, cuối mỗi bài lại còn có một phần video khá thú vị. App chia bài dễ học, đầu mỗi bài có phần giải thích ngữ pháp để các bạn có thể xem (phần Tips). App miễn phí.
Memrise: Cũng là một app học tiếng rất nổi tiếng, mình chưa dùng nhiều nên chưa review kĩ được, nhưng bạn mình dùng thì khá khen, đặc biệt trong các sách chia sẻ về việc học ngoại ngữ khen app này về chức năng tạo flashcard để học từ mới. Các tính năng cơ bản miễn phí, những tính năng cao cấp hơn sẽ mất phí subscription.

Tìm và duy trì động lực học

Động lực để làm bất cứ một việc gì là vấn đề mang tính chất cá nhân, vì thế sẽ không đúng với tất cả mọi người. Mình chia sẻ những việc mình làm hoặc những cách mình nghĩ để duy trì động lực học:

Gắn chuyện học với sở thích như xem phim, nghe nhạc. Mình có chị bạn thân học tiếng Hàn vì hâm mộ ban nhạc Hàn Quốc và nghiện phim ảnh Hàn Quốc, như chị nói, chị đi học vì một tương lai xem phim không cần xem sub :)) Và để hiểu lời bài hát :”> Những lúc mệt với chuyện học từ sách vở thì học từ phim ảnh, nhưng nếu muốn học thì bạn phải xem phim có chủ đích, tức là có giấy bút bên cạnh để có thể ghi lại các thoại bạn muốn học.
Ngoài việc xem phim thì mình thích đi du lịch, vì vậy mình nhớ lại những ngày mình đã tới Hàn Quốc và nuôi lòng quyết tâm sau này sẽ trở lại đó du lịch nhưng có thể giao tiếp bằng tiếng Hàn. Mình thích xem vlog liên quan đến du lịch, và thỉnh thoảng lại lên xem vé máy bay xem có vé rẻ không để biết đâu đó lại có thêm động lực học :”>
Hiện tại Hàn Quốc đầu tư nhiều vào Việt Nam nên biết tiếng Hàn là lợi thế có thể đem lại cho mình một công việc tốt hơn với thu nhập tốt hơn.
Mình thích xem vlog của em Lindie Botes như đã chia sẻ trong bài viết về chuyện học ngoại ngữ từ những người đi trước. Em này nói tiếng Hàn rất hay và có nhiều video chia sẻ thú vị về việc học tiếng Hàn. Nhìn những người giỏi mình lại có động lực để cố gắng hơn.

Lâu rồi mình không viết một bài nào dài như thế này, nhưng mình xem đi xem lại và cảm thấy không nên cắt bớt phần nào vì đối với chuyện học của mình, phần nào cũng quan trọng. Nên mình thực sự hi vọng các bạn đọc bài viết này cũng đều sẽ có thể tìm thấy một điều gì đó có ích cho việc học của mình. Và vì chúng ta là đồng môn, là những người cùng mới bắt đầu học, mình cũng rất vui nếu được các bạn chia sẻ thêm về các kinh nghiệm học của các bạn để chúng mình có thể cùng tiến bộ. Vì một tương lai xem phim không cần sub!

Lan Anh Ngô@ngolananh Read More
bài viết hay

One thought on “Kinh nghiệm học tiếng Hàn cho người mới bắt đầu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *